Liên kết Web

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
8
9
8
7
7
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

  • Tin du lịch
  • Du lịch địa chất: hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh Đắk Nông  


    Du lịch địa chất: hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh Đắk Nông

    ThS. Trần Nhị Bạch Vân

    Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông

    Du lịch địa chất “Geotourism” (Geological tourism) là một loại hình du lịch tập trung khai thác các yếu tố liên quan đến địa chất như: địa mạo, cảnh quan, thành phần cấu tạo (đá xâm thực, đá tinh thể, đá trầm tích…) và quá trình hình thành các giá trị địa chất đó (như quá trình xói mòn, phun trào núi lửa, băng hà…). Năm 2011, tại Hội nghị quốc tế chuyên đề về Geotourism được tổ chức dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Arouca, Bồ Đào Nha, nội hàm của khái niệm này đã được mở rộng: “…là một loại hình du lịch giúp duy trì và phát huy bản sắc của một địa phương; trong đó nhấn mạnh các yếu tố: địa chất, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, di sản và lợi ích của cộng đồng.

    Như vậy, theo định nghĩa này, những giá trị về mặt địa chất chỉ là một trong nhiều tài nguyên (văn hóa, xã hội, tự nhiên…) của loại hình du lịch địa chất, nhưng lại mang ý nghĩa tiên quyết và nền tảng trong việc phát triển loại hình du lịch đặc thù này. Đây là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phư­ơng. Trong đó, công viên địa chất (CVĐC) vừa được xem là một dạng tài nguyên và cũng là địa bàn triển khai loại hình du lịch địa chất một cách hiệu quả nhất.

    Mặt khác, theo tiêu chí đánh giá của UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu, du lịch địa chất được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc để phát triển công viên địa chất. Như vậy, khi tỉnh Đắk Nông xây dựng thành công mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO thì phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ là một nhiệm vụ tất yếu trong chiến lược phát triển địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo được ưu tiên lựa chọn khi du khách đến với Đắk Nông.

    Tuy khai thác thị trường ngách (niche market) nhưng du lịch địa chất được xem là xu hướng phát triển bền vững của thời đại, giúp định hình hành vi ứng xử và tiêu dùng của khách tham quan, du lịch. Chú trọng phát triển loại hình du lịch này sẽ không gây áp lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, mà ngược lại còn giúp tỉnh Đắk Nông có thời gian quy hoạch bài bản chiến lược phát triển du lịch, từng bước xây dựng và mở rộng thị trường khách tiềm năng; góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

    Với việc chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông đã chứng minh được các yếu tố đặc trưng về mặt địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực để phát triển loại hình du lịch địa chất, cụ thể:

    - Về di sản địa chất: Điểm đặc biệt nhất, có giá trị quốc tế, trong khu vực CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Ngoài ra, các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của CVĐC Đắk Nông cũng đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có các cảnh quan tự nhiên đẹp và độc đáo như các miệng núi lửa, hệ thống các thác nước hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp…, các hồ tự nhiên như Ea Snô, hồ Tây được tạo thành từ sụt võng kiến tạo địa chất, các hóa thạch Cúc đá, Hai mảnh vỏ, các loại đá quý và bán quý cùng các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn như cao lanh, bô-xit.

     

     

      

     

    Hệ thống hang động dung nham là một trong những tài nguyên du lịch độc đáo của địa phương để phát triển loại hình du lịch địa chất (Từ trái sang: Hang P8 – Takeshi Murase, Hang C8 – Tôn Ngọc Bảo)

    - Về di sản văn hóa: CVĐC là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt: Đường mòn Hồ Chí Minh; và 5 di tích cấp quốc gia khác như: Di tích lịch sử địa điểm Ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.

    Không những thế, với sự cộng cư sinh sống của 40 dân tộc anh em, trong đó có ba dân tộc sinh sống lâu đời là Mạ, M’Nông và Ê đê đã tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng và sinh động cho mảnh đất bazan màu mỡ này.

    - Về đa dạng sinh học: CVĐC Đắk Nông có hệ thống động thực vật phong phú với nhiều giống, loài quý, hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng, Voọc Đen má trắng, Chà Vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, Gà tiền mặt đỏ; Sồi Ba cạnh, Đỉnh Tùng, Sao, Trắc, Giáng Hương, Căm xe… được lưu giữ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) là tiềm năng to lớn để công viên địa chất phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học…

    Những giá trị độc đáo và khác biệt kể trên của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho phép địa phương xác định lợi thế so sánh, nhằm đầu tư vào công tác nghiên cứu, quy hoạch điểm đến, để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, mới lạ tại hệ thống hang động núi lửa, các miệng núi lửa, điểm gặp gỡ giữa cát kết và dung nham, các pha phun trào bazan, điểm gỗ hóa thạch, mỏ quặng saphia, cánh đồng dung nham… Mặc dù tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến, hình thành 03 tuyến du lịch trong vùng công viên địa chất, nhưng để vận hành tốt các điểm đến này cũng như thúc đẩy loại hình du lịch địa chất phát triển, địa phương cần chú trọng một số giải pháp sau:

    - Xây dựng quy hoạch vùng trong CVĐC Đắk Nông, gồm: Quy hoạch tiểu vùng, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng đệm… để định hướng thu hút đầu tư và đảm bảo công tác bảo vệ, bảo tồn các giá trị di sản theo quy định của UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu.

    - Xây dựng các sản phẩm mới lạ, độc đáo tại điểm: ng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra các sản phẩm tại điểm như mô hình 3D về hang động núi lửa; Thiết kế ứng dụng cho phép du khách quan sát các kỷ địa chất khác nhau tại các điểm đến thông qua việc mô phỏng không gian về môi trường (hữu sinh và vô sinh) tại điểm; Tạo các tuyến đi bộ mang tính giáo dục (pedegogical trails) có bản đồ hành trình cụ thể với các điểm địa chất “geosites trên tuyến (nếu có) và các trạm đa dạng sinh học (biodiversity stations), nhằm cung cấp cho du khách thông tin về hệ thống động thực vật của khu vực và những ứng dụng của chúng trong cuộc sống (như các loại cây thuốc, cây làm thực phẩm…); Cài đặt các mã QR tại các bảng thông tin, tờ rơi để giúp khách tìm hiểu thông tin chi tiết về các điểm đến một cách thuận tiện nhất; Xây dựng các bảo tàng ngoài trời đối với một số điểm đến như mỏ saphia, mỏ cao lanh, … Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, chuyên nghiệp hóa các nhóm nghệ nhân tại địa phương trình diễn cồng chiêng, phục vụ các món ăn truyền thống, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm hiểu văn hóa, ẩm thực địa phương.

    - Xây dựng chiến lược marketing: Chú trọng tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đặc biệt các hội chợ du lịch hàng năm được tổ chức tại thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Đặt pano ở tuyến phố đi bộ tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá, thu hút các đại lý lữ hành và du khách tiềm năng. Ngoài ra cần hoàn thiện website và fanpage CVĐC để thường xuyên, liên tục và kịp thời cung cấp thông tin cũng như giải đáp thắc mắc của công chúng.

    Bên cạnh đó, du lịch địa chất là loại hình du lịch rất phù hợp với các khóa học hè chuyên đề (Summer Camp, thường có sự tham gia của học sinh và giảng viên của các trường đối tác quốc tế) của các trường đại học như Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh,… để sinh viên có cơ hội đi nghiên cứu và khảo sát thực tế. Do đó, việc kết nối và quảng bá Đắk Nông như một điểm đến của của loại hình di sản như địa chất, khảo cổ, văn hóa, đa dạng sinh học nhằm thu hút nhóm du khách tiềm năng này, cũng là một trong những chiến lược hiệu quả của tỉnh trong thời gian tới.

     - Nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn hướng dẫn viên

    Hoạt động tập huấn, tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng để đưa loại hình du lịch địa chất đến gần hơn với cộng đồng địa phương và thị trường khách du lịch tiềm năng. Hiện tại, các hoạt động giáo dục trong vùng CVĐC Đắk Nông chỉ mới tập trung vào các đối tượng là người dân và học sinh trung học phổ thông; Các cấp học khác chưa được đầu tư, xây dựng hình thức tuyên truyền phù hợp, đặc biệt là cấp Mầm non và Tiểu học. Việc tuyên truyền đối với các cấp học càng nhỏ, càng khó thực hiện bởi rất cần tính trực quan và nhiều giáo cụ thực hành, cùng những câu chuyện lý thú để giúp các em sớm có nhận thức và ý thức về vị trí chủ nhận các giá trị di sản của quê hương mình.

    Đối với việc tập huấn hướng dẫn viên tại điểm, đây là một nội dung rất quan trọng để người dân và địa phương có thể tự vận hành các điểm đến trong vùng CVĐC. Đối tượng tập huấn này bao gồm: cán bộ văn hóa buôn, bon, chủ các hộ gia đình là đối tác điểm đến của CVĐC, các hướng dẫn viên (tự do hoặc nhân viên các đơn vị lữ hành)…Việc tập huấn này sẽ giúp bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết để đội ngũ hướng dẫn viên đưa các giá trị di sản của địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước..

    - Phát triển mạng lưới đối tác trong vùng CVĐC nhằm kết nối và cung cấp cho du khách những dịch vụ và sản phẩm tốt nhất trong vùng CVĐC. Các đối tác có thể là: Nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các đơn vị sản xuất chế biến sản phẩm địa phương, các hợp tác xã, công ty lữ hành… Những du khách đến với CVĐC sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin về các mặt hàng, dịch vụ đạt chất lượng thông quan việc hỗ trợ quảng bá lẫn nhau.

    - Phát triển các mặt hàng địa phương: Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch địa chất, không những giới thiệu cho du khách các mặt hàng nông sản đa dạng, phong phú được tạo thành từ thổ nhưỡng đặc thù của địa phương mà còn giúp tăng thu cho người dân, để họ gắn bó hơn với các ngành nghề truyền thống. Cụ thể như xác định và khuyến khích trồng, chế biến một số dược liệu đặc thù như: Sâm cau, sâm dây, mật nhân, mỏ quạ, chuối hột rừng; trồng và chế biến các đặc sản nông nghiệp, như: cà phê, bơ, lá bép, đọt mây, măng le, măng lồ ô; nuôi heo rừng lai, nuôi và chế biến khô nai, khô lăng, cá tiến vua v.v…để quảng bá ẩm thực địa phương. Đa dạng hóa mẫu mã các mặt hàng lưu niệm làm từ thổ cẩm như khăn trải bàn, ví, túi đựng điện thoại…; các móc khóa có hình Cúc đá, núi lửa…

    Như vậy, với những lợi thế về tài nguyên, phát triển loại hình du lịch địa chất là một trong những hướng đi mà tỉnh Đắk Nông có thể tham khảo để xây dựng và quảng bá hình ảnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Quan trọng hơn hết, đây là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục cao, cung cấp cho du khách những thông tin khoa học về điểm đến một cách sinh động và gần gũi nhất. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của du khách trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học của tỉnh Đắk Nông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.


    Bản in