Liên kết Web

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
8
9
8
7
7
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

  • Tin du lịch
  • Du lịch Đắk Nông - Hành trình khám phá  


    Đắk Nông sẽ là điểm đến tiếp theo của các chuyến hành trình mà du khách muốn khám phá. Cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 200km và mất khoảng 4 giời đi xe ô tô. Đến với Cao Nguyên Mnông này bạn phải vượt qua hết những con dốc bên lưng đồi - một bức tranh sinh động bất ngờ hiện ra trước mắt, đó là những cánh rừng thông reo vui, cà phê, tiêu bạt ngàn tươi tốt. Du khách có thể cảm nhận được không khí hơi se lạnh của những cơn gió nhẹ thoáng qua kẽ lá, những hạt sương mai còn động trên những cánh hoa. Không chỉ có khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho du khách tham quan và nghỉ dưỡng, nơi đây lại có một nét đẹp ẩn chứa bao điều của một vùng đất mới - vùng đất của nhiều huyền thoại.

    Do đặc điểm tự nhiên và cấu tạo địa hình bị chia cắt mạnh nên Đắk Nông có nhiều thắng cảnh và khu hệ động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều khu rừng được sử dụng vào mục đích bảo tồn sinh thái, khai thác du lịch như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng,… Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với hệ thống hang động núi lửa được xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Đắk Nông vẫn còn đó những bon làng truyền thống, nơi tập trung của đồng bào các dân tộc, cảnh quan còn hoang sơ, những phong tục tập quán truyền thống còn được lưu truyền, trong cuộc sống đương đại mà du khách muốn tìm đến để trải nghiệm và khám phá. Du khách còn đắm mình bên những ngọn thác nước hùng vỹ, đẹp thơ mộng: thác Liêng Nung ẩn mình dưới cánh rừng xanh, với tiếng chim hót và tiếng thét gào của dòng chảy từ độ cao 30m, thác Đắk G’lun được xem là người đẹp lạc giữa chốn rừng hoang, như một nàng công chúa ngủ say bên rừng, buông mái tóc dài óng ả, thả trôi bồng bềnh, tung mình ở độ cao hơn 50m. Thác Lưu Ly yêu kiều thước tha trong cánh rừng già, thác Gấu, thác Ngầm ngày đêm tung bụi trắng qua những khe đá cuốn theo dòng thời gian, dòng Sêrêpốk kiêu hùng chảy ngược dòng lịch sử… Trong đó cụm thác Dray Sáp - Gia Long lại là khung cảnh thiên nhiên mơ mộng, đắm chìm trong không gian của núi rừng, âm thanh ào ào và tiếng lòng của những câu chuyện tình yêu cảm động nơi miền sơn cước. Bon Bu Prâng của đồng bào Mnông với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên qua những “bài khan” có thể kể và nghe thâu đêm suốt sáng. Thiền Viện Trúc Lâm Đạo Nguyên yên bình, xinh xắn dưới những hàng thông thấp thoáng bên ngọn Nâm Nung quanh năm chìm trong mây trắng, tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh văng vẳng giữ lòng đại ngàn - một không gian đậm chất thiền đạo. Nơi đạo và đời cùng hoà hợp, cùng đồng hành trong bước phát triển đi lên của đất nước. Thành phố trẻ Gia Nghĩa đang vươn mình giữ rừng xanh được bao bọc giữa những cánh rừng thông cùng những dãy đồi nhấp nhô. Hay hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Trúc… như chiếc gương bạc lấp lánh bên những ngọn đồi nhấp nhô hay Hồ Tà Đùng được ví là “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” tô điểm thêm cho màu xanh của núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ.

    Ẩm thực đặc trưng của người Mnông

    Đắk Nông còn là vùng đất có nền văn hoá lâu đời của dân tộc Mnông rất phong phú và đa dạng như bộ sử thi Ót N’drông, kể khan, sinh hoạt cồng chiêng và các điệu múa dân gian độc đáo, có nhiều lễ hội gắn với đời sống tâm linh huyền bí: lễ mừng lúa mới, Tục cưới, lễ sum họp cộng đồng, lễ kết nghĩa anh em… thực sự hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch. Là quê hương của người anh hùng dân tộc M’nông – N’Trang Lơng, N’Trang Gưh, với những chiến công vang dội khắp núi rừng Tây Nguyên hay những chứng tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: ngục Đắk Mil, chiến khu B4 liên tỉnh IV và các kỷ vật trên đường Hồ Chí Minh. Vùng đất hội tụ của nền văn hoá 40 dân tộc anh em, còn lưu giữ những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Mnông, Mạ, Ê đê, Mông… gắn liền với tập quán sinh hoạt văn hóa và ẩm thực truyền thống mang tính đặc trưng riêng, đã tạo nên một Tây Nguyên huyền bí.

                                 Bài, Ảnh: Trần Lập – Sở VHTTDL.


    Bản in