GIỚI THIỆU QUY HOẠCH TỈNH ĐẮK NÔNG
Ngày 31/12/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1757/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa ra 06 quan điểm phát triển; mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Mức thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân chung của vùng; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Quyết định, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 9,05%/ năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 130 triệu đồng. Cơ cấu nền kinh tế: nông, lâm nghiệp đạt khoảng 26,3%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 27,7%; dịch vụ đạt khoảng 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 5,2%. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 12%-15%/năm…
Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xã hội khá giả, mức thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân chung cả nước. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã xác định 03 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. (2) Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, kết nối các vùng kinh tế động lực và vùng khó khăn, hạ tầng đô thị, hạ tầng thủy lợi. (3) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương.
03 đột phá phát triển: (1) Phát triển công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo. (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, theo hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. (3) Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Nông tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã xác định 03 ngành, lĩnh vực quan trọng: Ngành công nghiệp; Ngành nông, lâm nghiệp và Ngành du lịch
Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển:
Một trung tâm: Thành phố Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba cực động lực tăng trưởng, gồm: Cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’Lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê, với hạt trung nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa. Hình thành cực tăng trưởng và đầu mối kinh tế kỹ thuật và dịch vụ trung tâm của tỉnh với chức năng chính là đô thị dịch vụ, công nghiệp, du lịch. Cực động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T’Ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô). Hình thành cực động lực có chức năng đô thị dịch vụ, du lịch và công nghiệp gắn với quần thể hang động, núi lửa và các điểm du lịch, khu công nghiệp.
Cực động lực phía Tây Bắc chạy dọc hành lang kinh tế biên giới với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil và đô thị Đức An (huyện Đắk Song), đô thị Đắk Búk So (huyện Tuy Đức). Hình thành cực động lực kinh tế mậu biên, gắn với 02 cửa khẩu Đắk Peur và Bu Prăng.
Bốn trục hành lang kinh tế, gồm: Trục hành lang đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14; Trục hành lang đường Quốc lộ 28; Trục hành lang đường Quốc lộ 14C; Trục hành lang đường Cao tốc CT02.
Bốn tiểu vùng kinh tế - xã hội, gồm: (i) Tiểu vùng trung tâm, gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp. Tiểu vùng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
(ii) Tiểu vùng phía Bắc, gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút. Tiểu vùng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao và kinh tế cửa khẩu; (iii) Tiểu vùng phía Đông, gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong. Tiểu vùng phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao và công nghiệp;
(iv) Tiểu vùng phía Tây, gồm huyện Đắk Song, huyện Tuy Đức. Tiểu vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp và kinh tế cửa khẩu.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông theo chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên./.
Bản in