Liên kết Web

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
8
9
8
7
7
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

  • Tin văn hóa
  • Di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Nau M’pring (dân ca) của người M’Nông tỉnh Đắk Nông  


    Di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Nau M’pring (dân ca) của người M’Nông tỉnh Đắk Nông

        Nghệ thuật trình diễn dân gian Nau M’Pring (dân ca) của người M’Nông tỉnh Đắk Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để làm cơ sở cho các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện có hiệu quả.

    Dân ca M’nông được hình thành trên cơ sở của một xã hội nguyên thủy, có tính nguyên hợp và tính cộng đồng cao. Dân tộc M’nông gọi dân ca là Nau M’pring - là hình thức diễn xướng dân gian được người M’nông sáng tác, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của tộc người. Dân ca M’nông là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được cộng đồng người M’nông sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Dân ca được thực hành trong cuộc sống, lao động hàng ngày trong hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng giao, hát kể sử thi và trữ tình đối đáp (M’pro, Tăm Pớt) giao lưu trai gái. Dân ca M’nông được sản sinh ra từ cuộc sống lao động sản xuất và phục vụ cuộc sống tinh thần của đồng bào. Đến nay, dân tộc M’nông đã phải trải qua nhiều biến cố và thay đổi của lịch sử, nhưng những bài ca vẫn sống mãi với thời gian, vẫn là hành trang theo bước người M’nông từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca M’nông đã thể hiện khá đậm nét sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống với nghệ thuật, từ âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu và lời ca thường gắn với môi trường thiên nhiên và điều kiện sản xuất.

    Tín ngưỡng của người M’nông là vạn vật hữu linh, theo quan niệm thế giới có ba tầng, mỗi tầng đều có các vị thần linh, ma, hồn cùng tồn tại. Tín ngưỡng dân gian gắn liền với nông lịch và sinh hoạt đời thường, là môi trường phát triển mạnh mẽ các hệ thống lễ hội. Đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của người M’nông được thể hiện rõ nét qua tín ngưỡng, lễ hội, các lễ nghi, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian.

    Di sản văn hóa của người M’nông rất phong phú về loại hình, mang bản sắc riêng, hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xã hội, trong đó nổi bật nhất là dân ca. Người M’nông có nhiều hình thức hát dân ca khác nhau, có thể kế đến hát trữ tình Mpro của nhóm M’nông Nong, Tăm Pớt của nhóm M’nông Prâng, hát đối đáp, hát đồng giao, hát ru hát đố, hát kể sử thi và hát khấn thần trong các nghi lễ. Đây là hình thức diễn xướng dân gian mang bản sắc mang âm hưởng sâu sắc của vùng đất Tây Nguyên. Dân ca M’nông giàu chất trữ tình và rất dễ hát, âm điệu thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong một bài, câu trước so với câu sau đều có nhịp tăng giảm để tạo nên những âm thanh trầm bổng. Kho tàng dân ca và nhạc cụ của người M’Nông đa dạng với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đặc biệt đàn đá mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

    Dân ca M’nông gồm hai thành phần cơ bản là âm nhạc và lời ca, gắn bó với nhau và hỗ trợ cho nhau. Trong lúc âm nhạc giữ chức năng nhịp điệu, tiết tấu thì lời ca cũng giữ vai trò rất quan trọng, thể hiện nội dung cụ thể hơn. Những bài hát dân ca là lời ăn tiếng nói thường ngày được nghệ thuật hóa, khái quát hóa mang sắc thái dân tộc, địa phương. Chính cái sắc thái địa phương, dân tộc riêng biệt ấy là yếu tố quan trọng làm tăng sự phong phú về giai điệu, tiết tấu và tô đậm bản sắc các dân tộc trong dân ca của người M’nông. Trong khi hát lời ca giữ một chức năng phản ánh nội dung cụ thể, còn âm nhạc thể hiện ở nhiều yếu tố như tiết tấu, giai điệu, nhịp điệu…. Âm nhạc trong dân ca phản ánh tâm tư, tình cảm, tư tưởng của con người đương thời, bằng hình tượng âm thanh cao, thấp phù hợp với điều kiện tâm sinh lý, điều kiện tự nhiên, xã hội mà nó ra đời.

    Khi xét về thang âm thì dân ca M’nông có đủ các thể từ thang 3 bậc âm, 5 bậc âm, 6 bậc âm và 7 bậc âm. Tuy nhiên, người M’nông vẫn dùng chủ yếu là thang 5 âm (có hoặc không có bán âm). Trong dân ca, âm nhạc giữ vai trò quyết định. Bởi vì nói đến “ca” là nói đến âm nhạc – nếu không có yếu tố âm nhạc thì là tục ngữ, văn vần. Đó chính là tính chất của nghệ thuật thuộc thể loại dân ca và chính yếu tố nghệ thuật ấy (âm nhạc và lời ca) đã đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ của cộng đồng.

    Nội dung của những bài dân ca M’nông chứa đựng, phản ánh cuộc sống thường ngày như tình yêu đôi lứa, ca ngợi buôn làng, ca ngợi những chàng trai anh dũng, có sức khỏe phi thường chiến đấu chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, có những bài hát dùng để khấn cầu các thần linh, làm cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng bội thu, con người thoát khỏi dịch bệnh… Nội dung nói trên biểu hiện qua nhiều thể loại, như dân ca lao động, dân ca phong tục tập quán, dân ca nghi lễ, tín ngưỡng …

    Dân ca M’nông là một kho tàng phong phú và đa dạng. Những bài dân ca M’nông còn lưu lại đến ngày nay, nhiều bài đã ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử hình thành và phát triển tộc người. Những bài ca ấy được lưu truyền qua sàng lọc tự nhiên và có sức sống lâu bền trong nhân dân, mặc dù trong suốt tiến trình lịch sử người M’nông chưa có chữ để lưu giữ vào thư tịch, mà phương pháp chủ yếu là truyền miệng trong dân gian và hình thức cha truyền con nối. Trải qua hàng ngàn năm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người M’nông đã sáng tạo ra một kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú về chủng loại và số lượng.

    Đối với dân tộc M’nông, dân ca là một thể loại văn học tự sự đồ sộ nhất. Dân ca là tác phẩm văn học, nghệ thuật tổng hợp. Nó thu hút hầu hết các giá trị vốn có của dân tộc, như thơ ca, truyền thuyết, thần thoại, âm nhạc, diễn xướng… và thường thiên về miêu tả con người, các loài vật, đồ vật, kinh nghiệm sản xuất, tín ngưỡng và những quy luật của thời tiết, như chọn đất, gieo trồng, quan hệ cộng đồng và tình yêu hôn nhân… hay các đề tài như cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của con người M’nông giữa thiên nhiên hùng vĩ, gắn bó chặt chẽ đến từng giai đoạn của cuộc sống con người, đến vòng đời người, vòng cây trồng mùa vụ làm nội dung trung tâm. Hình thức diễn xướng của dân ca bằng nghệ thuật tổng hợp, tạo nên sự sáng tạo và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tín ngưỡng trong cuộc sống và lao động của cộng đồng. Đó là đặc điểm thẩm mỹ thuộc bản chất của dân ca, đặc điểm này bắt nguồn từ tâm hồn, tư tưởng của cộng đồng. Trước đây, đêm đêm quanh ngọn lửa bập bùng hay dưới mái nhà ấm cúng, các già làng thường kể, hát cho con cháu nghe những bài dân ca về lịch sử hào hùng, quá trình hòa nhập với thiên nhiên qua vòng đời người và các mùa vụ…của dân tộc. Nội dung cơ bản của dân ca M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội. Có những bài dân ca nói về con người đi khai thiên lập địa, hoặc người anh hùng văn hóa. Có khi lại nói về chiến tranh và người anh hùng chiến trận. Có bản lại ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng do một người con dũng cảm gây dựng nên… Ngôn ngữ của dân ca rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính chất của thơ ca. Phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ… thường được kết hợp với nhau trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc. Ngoài ra, Dân ca M’nông là thể loại rất giàu chất trữ tình. Đó là những câu hát có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… thường dẫn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chủ đề của lời hát còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức này mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng ngàn câu. Người ta sử dụng một số phương thức đặc biệt của ngôn ngữ, tạo nên các lối hát mang tính nghệ thuật của dân tộc như: Sử dụng cách đối chữ, đối nghĩa, các hình thức tạo vần, các hình thức ví von, so sánh, các hình ảnh ẩn dụ…

    Tất cả những đặc điểm nói trên của dân ca M’nông được bắt nguồn từ một nền nông nghiệp nương rẫy, một xã hội tiền giai cấp. Ở đó không có mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn đối kháng mà chỉ có tinh thần hòa hợp cộng đồng dân tộc. Nói cách khác, xã hội nói trên là cơ sở ban đầu cho sự ra đời của dân ca M’nông và những đặc điểm cơ bản về nội dung, hình thức nghệ thuật của nó. Dân ca M’nông hình thành cơ bản trên cơ sở lời nói vần, một hình thức đặc biệt trong ngôn ngữ của tộc người M’nông. Mặc dù đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn hóa ngoại lai của Pháp, Mỹ và văn hóa Việt, song dân ca M’nông vẫn không bị hòa tan vào bất cứ nền âm nhạc nào. Dân ca M’nông vẫn liên tục phát triển, phong phú về thể loại, đa dạng về thanh âm và giữ được những nét đặc trưng. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng. Nhờ vào phương thức này mà sự có sự sáng tạo và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tín ngưỡng trong cuộc sống và lao động của cộng đồng.

    Ngày nay, dân ca của người M’nông đã phổ biến trong đời sống, trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng, và còn được khai thác trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Dân ca M’nông gắn liền với lối sống và tập quán của cộng đồng người M’nông ở Đắk nông, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, nên luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy.

                                                                                              Bài: Trần Lập


    Bản in