Liên kết Web

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
8
9
8
7
7
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

  • Tin văn hóa
  • Mùa lễ hội của người M'Nông  


    Mỗi độ mùa lúa chín vàng trên rẫy, thóc thu đầy bồ là tiếng chiêng tiếng cồng lại ngân vang dòn dã trong mỗi bon làng của người M’nông báo hiệu mùa lễ hội của họ đã đến. Mùa lễ hội của người M’nông thường bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa rẫy từ tháng 12 năm cũ và kéo dài đến tháng 3 năm mới dương lịch. Họ gọi đây là “Mùa ăn năm, uống tháng” của dân tộc mình. Mùa lễ hội là sinh hoạt văn hóa thường niên đặc sắc của tộc người M’nông với rất nhiều lễ hội như lễ sum họp cộng đồng, lễ phát rẫy, lễ cúng cơm mới, lễ kết nghĩa, lễ ăn trâu, lễ đặt tên con, lễ cưới, …Các nghi lễ, lễ hội này nằm trong hệ thống lễ hội nông nghiệp, nghi lễ cộng đồng và nghi lễ vòng đời người của người M’nông.

              Cuộc sống của người M’nông sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên cây lúa cùng với rẫy, chòi giữ rẫy đã trở nên thân thiết gắn bó với họ. Họ cho rằng mọi vật đều có linh hồn, đều chịu sự cai quản, chi phối của các vị thần linh (yang, brah) nên hàng năm đến mùa thu hoạch rẫy dân bon làng phải tổ chức nghi lễ vòng cây cối hay còn gọi nghi lễ nông nghiệp để tạ ơn. Khi lúa đã chín trên rẫy, người M’nông tổ chức cúng lúa để báo với các đấng thần linh cho bà con trong bon bắt đầu thu hoạch lúa. Sau đó người người cùng nhau gặt lúa đưa về chòi rẫy rước hồn lúa về nhà và tổ chức lễ ăn cơm mới. Tổ chức lễ mừng mùa, ăn cơm mới nhằm tạ ơn trời đất đã phù họ cho bon làng, gia chủ rẫy làm ăn thuận lợi, mùa màng xanh tốt, ngô lúa, mì trên rẫy không bị chim thú phá hoại, tạ ơn các vị thần linh (yang) đã cho mùa bội thu, mang no ấm đến cho bon làng. Ngày nay nghi lễ cúng mừng mùa còn ở một số địa phương như Quảng Trực, Đắk R’tih, Nhân đạo…

           Sau nghi lễ mừng mùa, người dân bon làng M’nông tổ chức lễ cúng thần rừng, cúng bến nước. Đây là những nghi lễ để tạ ơn thiên nhiên đã ban tặng cho bon làng dòng nước ngọt ngào để ăn uống, sinh hoạt, để đồng bào mình lên rẫy trỉa bắp, trồng lúa, kiếm đọt mây lá bép, kiếm củ sắn củ mài. Đồng thời, thông qua lễ hội nhằm giáo dục thế hệ trẻ không được làm vây bẩn, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, không được chặt phá, đốt rừng bừa bãi để duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên đời sau. Vì đất đai, nguồn nước, rừng là tài sản chung của bon có liên quan đến sự sống còn của bon làng, liên quan đến thế hệ con cháu đời sau. Ngày nay, lễ hội này dù mai một nhưng vẫn được tổ chức thường niên ở Quảng Khê, Đắk Som, Nâm Nung, Nhân Đạo, Đắk Nia…

              “Mùa ăn năm, uống tháng” của người M’nông được tiếp nối say sưa trong tiếng chiêng, tiếng cồng rộn rã, ngân vang khắp núi rừng, khắp bon làng M’nông với lễ hội kết nghĩa. Thông thường, giữa các bon làng của các tộc người thường hay xảy ra xung đột tranh giành đất đai, tài nguyên, ngược lại người M’nông thì khác. Họ quý trọng tình làng nghĩa xóm, quan hệ cộng đồng và luôn có ý thức giữ mối giao bang hoà hảo với các bon làng, láng giềng. Điều này thể hiện rất rõ trong lễ kết nghĩa của người M’nông. Tùy từng địa phương, tùy từng nhánh dân tộc M’nông, nhưng thường 2 bon của người M’nông kết nghĩa anh em với nhau, cũng có khi là 3 bon trở lên. Khi đã kết nghĩa bon làng với nhau thì như anh em không tranh dành đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, sống hòa thuận gắn bó mật thiết với nhau, cùng nhau làm ăn canh tác trên vùng lãnh thổ của bon làng.

              Không khí lễ hội cứ được tiếp tục ngày này qua tháng khác. Đầu năm mới, người M’nông tưng bừng với các nghi lễ vòng đời người. Đây là nghi lễ ít mai một nhất của người M’nông. Các nghi lễ này được duy trì từng gia đình người M’nông. Quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào kinh tế từng gia đình. Nghi lễ này được bắt đầu từ khi mang thai đến khi chết như nghi lễ có thai, lễ đặt tên con, lễ trưởng thành, lễ tạ ơn sinh thành, lễ cưới, lễ cầu sức khỏe cho các thành viên trong gia đình,…Các nghi lễ này thường tổ chức theo phạm vi gia đình hoặc dòng nên thường mang phần lễ nhiều hơn phần hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội này, bà con trong bon bỏ việc lên rừng, lên rẫy, cùng giết heo, giết trâu nấu nướng, khiêng rượu, bày lễ cúng tế và tham gia sinh hoạt cộng đồng đánh chiêng, thổi R’let, M’buốt và cùng nhau thưởng thức hương vị ngọt ngào của rượu cần. Mùa lễ hội của người M’nông được kết thúc khi họ làm lễ cúng cầu các đấng thần linh ban cho mưa thuận, gió hoà, cầu cho cây cối được xanh tốt, mùa màng bội thu, dân làng được no đủ, sống trong cảnh hoà bình đầm ấp.

              Có thể nói, mùa lễ hội là một nét văn hoá đặc trưng kết tinh của tộc người M’nông. Dù có nhiều mai một nhưng mùa lễ hội hoà quyện cùng tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang dòn dã và hương vị rượu cần nồng nàn đã tạo nên nét văn hoá đặc sắc của người M’nông. Đây là dịp để nhân dân trong bon làng có dịp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những ngày tháng lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp để trai gái hẹn hò, giao lưu, tìm tình duyên, bạn đời.

    Nguyễn Khắc Anh


    Bản in